Tìm hiểu đường đến thành công của doanh nhân
Tôn trọng tự do, chú trọng hiệu quả thực tế, phóng khoáng, khuyến khích phấn đấu cá nhân. Mặc dù đa số người Mỹ là người Anh và người châu Âu di cư, nhưng khi sang lục địa mới
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều mẫu hình doanh nghiệp thành công nhờ phát huy được vai trò văn hóa trong hoạt động kinh doanh.
Thực tế cho thấy, các công ty được điều hành bởi những doanh nhân tài năng, sáng tạo, những doanh nghiệp có môi trường văn hóa mang giá trị nhân văn luôn là các chủ thể kinh doanh có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Và Gordon Moore, Robert Noyce với Intel, Steve Jobs với Apple (Mỹ), Akio Monita với Sony, Sakichi Toyoda với Toyota (Nhật Bản), Lee Byoung-chul với Samsung (Hàn Quốc)… luôn được coi là những ví dụ sống động cho câu chuyện thành công của các thương hiệu mạnh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bí quyết tạo dựng thương hiệu
Trong đó, bí quyết thành công của Sakichi Toyoda với Toyota là không ngừng sáng tạo, không bao giờ thỏa hiệp trước khó khăn, kiên trì chinh phục thị trường ô tô trong và ngoài nước bằng những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới, phong cách phục vụ chuyên nghiệp nhất và thực hiện nghiêm túc các cam kết trở thành công dân toàn cầu. Còn sự thành công của Lee Byoung-chul với Samsung lại nằm ở 5 quy tắc: Tìm tòi, nghiên cứu và khảo sát chính xác, chi tiết sự thay đổi kinh tế trong nước và thế giới; Biết rõ năng lực bản thân; Luôn nỗ lực cố gắng, không bao giờ tin vào vận may; Rèn luyện được cái nhìn trực quan, nhanh chóng, rõ ràng; Luôn sẵn sàng thực hiện các chiến lược kinh doanh khác nhau.
Đối với Steve Jobs và Apple, bí mật tuyệt đối là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng số 1. Mặt khác, không ngừng sáng tạo, đột phá về công nghệ cũng là nguyên tắc mấu chốt cho thành công của các sản phẩm Apple trên toàn thế giới. Một ví dụ thành công khác là Gordon Moore và Robert Noyce với Intel. Tuân thủ nghiêm túc 3 nguyên tắc: Đột phá trong xây dựng thương hiệu; Tăng cường chia sẻ lợi ích chung bằng những sáng kiến; Đổi mới để vượt lên chính mình, Gordon Moore và Robert Noyce đã lãnh đạo Intel trở thành thương hiệu nhà sản xuất chip hùng mạnh nhất trên thế giới hiện nay.
Những ví dụ trên đã phần nào làm rõ hơn vai trò của các doanh nhân trong câu chuyện thành công của các thương hiệu mạnh trên phạm vi toàn cầu. Câu chuyện của các tập đoàn dưới đây sẽ là những minh chứng khẳng định, khi văn hóa doanh nghiệp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và dựa trên tinh thần tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các quốc gia khác nhau thì đó sẽ là chìa khóa mở ra con đường thành công của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.
Samsung (Hàn Quốc)
Khởi nghiệp từ một công ty thương mại nhỏ vào năm 1938, đến nay, Samsung đã phát triển mạnh mẽ, hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, chất bán dẫn, thời trang, y khoa, tài chính, khách sạn và nhiều lĩnh vực khác. Với triết lý kinh doanh cống hiến tài năng và công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ ưu việt, góp phần cho một xã hội toàn cầu tốt đẹp hơn, Samsung đã và đang trở thành một doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Samsung cho rằng, sống bằng các giá trị vững chắc vì con người, sự xuất sắc, liêm chính, thay đổi và thực hiện trách nhiệm cao nhất với cộng đồng chính là bí quyết của sự thành công. Với triết lý kinh doanh, giá trị theo đuổi và các cam kết có trách nhiệm với cộng đồng như vậy, Samsung đã trở thành một thương hiệu mạnh mang đến cảm hứng và động lực hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn trong nhận thức của đông đảo khách hàng và người tiêu dùng.
Honda (Nhật Bản)
Thành lập năm1948, từ một công ty sản xuất động cơ cho phương tiện đi lại hiệu quả và rẻ tiền, đến nay, Honda đã là nhà sản xuất động cơ hiện đại lớn nhất thế giới với sản lượng hơn 14 triệu chiếc mỗi năm và có nhiều nhà máy sản xuất trên toàn thế giới.
Với triết lý “Trở thành ngọn đuốc soi đường”, Honda đã gắn giá trị văn hóa doanh nghiệp của công ty ở Nhật với các yêu cầu đảm bảo an toàn, môi trường và hoạt động xã hội của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, slogan “Tôi yêu Việt Nam” của Honda đã nhận được sự yêu mến của cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam thông qua việc cam kết thực hiện: Tạo ra niềm vui (các sản phẩm tốt nhất cho khách hàng); Mở rộng niềm vui (nhanh chóng cung cấp sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lí); Mang lại niềm vui cho thế hệ kế tiếp (trở thành người dẫn đầu và tiên phong trong các lĩnh vực môi trường và an toàn).
Unilever (Vương quốc Anh & Hà Lan)
Ra đời năm 1885 tại Rotterdam, với hơn 20.000 nhân viên, sở hữu 400 thương hiệu lớn, cung cấp sản phẩm cho hầu hết thị trường quốc tế, đến nay, cái tên Unilever không còn xa lạ với thế giới, thực sự là một bài học kinh điển về phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu. Đến Việt Nam từ năm 1995, Unilever đã nhanh chóng dẫn dầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng phổ thông. Hãng đã giới thiệu hơn 200 sản phẩm tiêu dùng, ví dụ OMO (1995), Dove (1996), Comfort (1999), Knorr (2000)… Bí quyết thành công của Unilever là xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ phương Tây và cách nghĩ Việt Nam.
Về cơ bản, thành công của Unilever được xác lập từ triết lý kinh doanh “nghĩ theo cách nghĩ của người Việt Nam”. Theo đó, Unilever đã áp dụng phương thức sản xuất theo hướng giá thành giảm dần, nguyên liệu nội địa, mở rộng liên kết với các nhà cung cấp và phân phối địa phương, mở rộng thị trường về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở đó, hãng đã nghiên cứu thị trường thông qua các trải nghiệm văn hóa cùng khách hàng. Việc học hỏi để hòa hợp ngôn ngữ và văn hóa của đối tượng ở từng vùng, miền, từ đó đưa ra những chiến lược, quyết sách và chương trình hành động phù hợp, là điều quan trọng và gần như là bắt buộc để đảm bảo kiểm soát các quyết định mạo hiểm và từ đó mang tới thành công cho Unilever . Vì vậy, “học trong trải nghiệm, học qua chứng nghiệm và học từ chiêm nghiệm” đã trở thành giá trị cốt lõi của Unilever trong hành trình “Unilever tự hào lớn mạnh cùng Việt Nam”. Đây chính là lí do Unilever luôn nhận được sự tin yêu của cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam trong hơn 20 năm qua.
Bài học kinh nghiệm
Từ câu chuyện của các doanh nghiệp nước ngoài thành công trên thị trường quốc tế nói chung và ở Việt Nam nói riêng, có thể rút ra 4 kinh nghiệm cơ bản các doanh nghiệp trong nước có thể tham khảo trong quá trình hội nhập quốc tế như sau:
Gắn lợi ích của doanh nhân, doanh nghiệp với văn hóa nước sở tại và những cam kết vì lợi ích cộng đồng nước sở tại. Văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp của các tập đoàn lớn như: Intel, Unilever, Honda, Toyota và Sam sung trong quá trình chinh phục thị trường thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam… đều có sự giao thoa, kết hợp với bản sắc dân tộc nước sở tại trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng văn hóa và lợi ích cộng đồng nước sở tại. Điều này giúp các tập đoàn tăng cường tiềm lực, quy tụ sức sáng tạo của nguồn nhân lực, khích lệ họ tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp và nhận được sự chấp nhận của cộng đồng xã hội tại nước sở tại.
Xác lập hệ giá trị văn hóa doanh nghiệp mang tính phổ quát. Các ví dụ trên cho thấy, điểm mấu chốt tạo nên thành công của một doanh nghiệp chính là hệ thống các giá trị. Trong hệ thống giá trị của các công ty từ Intel, Unilever đến Samsung hay Honda… bao giờ cũng có những chuẩn mực như: trung thực, liêm chính, khoan dung, tôn trọng khách hàng, tôn trọng kỷ luật, tính đồng đội và sẵn sàng hợp tác. Nhờ hệ thống giá trị này, văn hóa doanh nghiệp không chỉ bảo vệ nhân viên của doanh nghiệp khỏi sự lạm dụng chức quyền hoặc có ác ý tư thù cá nhân mà còn hướng dẫn cách cư xử cho các thành viên, bao hàm cả nghĩa vụ và bổn phận đối với doanh nghiệp nói riêng và với xã hội nói chung
Kết hợp giữa công nghệ hiện đại với bản sắc dân tộc, bản sắc doanh nhân trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Quan sát mô hình phát triển thương hiệu của Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thấy, một mặt, hai quốc gia này tiếp thu cách quản lý doanh nghiệp và kỹ thuật tiên tiến của Mỹ; mặt khác, họ cũng chú trọng thích đáng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm cho bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong văn hóa doanh nghiệp. Ví dụ, bí quyết thành công tiêu biểu của quản lý Nhật Bản là gắn công nghệ, kỹ thuật, cách thức quản lý doanh nghiệp hiện đại với truyền thống làm việc gắn bó trọn đời được xây dựng trên nền tảng giá trị văn hóa Nhật lấy trung hiếu làm gốc.
Tôn trọng tự do, chú trọng hiệu quả thực tế, phóng khoáng, khuyến khích phấn đấu cá nhân. Mặc dù đa số người Mỹ là người Anh và người châu Âu di cư, nhưng khi sang lục địa mới, họ nuôi dưỡng trong mình chí tiến thủ mạnh mẽ, tinh thần chú trọng thực tế cộng với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc. Tất cả những điều đó đã tạo nên một bản sắc văn hóa mới – bản sắc văn hóa Mỹ. Do vậy, ý thức suy tôn tự do, chú trọng hiệu quả thực tế, phóng khoáng, khuyến khích phấn đấu cá nhân đã trở thành nhịp điệu chung của văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp nước Mỹ. Đây là những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu cho doanh nghiệp các nước đang phát triển như Việt Nam tham khảo trong quá trình tạo dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp nhằm phát triển đất nước.
Leave a Reply